Hệ Thần Kinh, Can, Mộc – Bại Liệt

BẠI LIỆT

Nuy Chứng, Nuy Tý (Atrophy Disorder)

.

Đại Cương

Nuy là loại bệnh gân cơ mềm yếu, lâu ngày không vận động được làm cho các cơ bị teo.

. YHCT gọi là Nuy Chứng, Nuy Tý (Atrophy Disorder), Nhuyễn Cước Ôn.

+ Nuy chỉ trạng thái chân tay mềm yếu không sức.

+ Tý chỉ trạng thái chi dưới mềm yếu không có sức.

. Các chứng trạng lâm sàng của Nuy giống với các bệnh: Tủy Sống Viêm Cấp, Cơ teo, Liệt cơ Năng, Tê Dại Có Chu Kỳ, Bại Liệt Do Hysteria, Liệt Mềm Do Di Chứng Của Trung Khu Thần Kinh…trong YHHĐ.

Triệu Chứng

Trên lâm sàng thường gặp 4 loại sau:

Can Thận Hư Nhược

-Chứng: Phát bệnh một cách từ từ, cơ thể và tay chân mềm yếu, không có sức, lưng gối mỏi, chóng mặt, tai ù, di tinh, tiểu nhiều, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch Tế Sác.

-Điều Trị: Bổ ích Can Thận, tư âm, thanh nhiệt.

Sách ‘Nội Khoa Học Thượng Hải ‘ dùng bài: HỔ TIỀM HOÀN (Cảnh Nhạc Toàn Thư, Q. 57): Bạch thược 80g, Can khương 20g, Hoàng bá 320g, Hổ cốt 40g, Quy bản 160g, Thục địa 80g, Tỏa dương 60g, Trần bì 80g, Tri mẫu 80g. Tán bột, trộn với rượu và hồ làm hoàn. Ngày uống 12g, với nước pha muối loãng, trước lúc ăn cơm.

(Hoàng bá, Tri mẫu, Đương quy, Sinh địa để tiệt âm, giáng hoả, trong đó Hoàng bá dùng liều cao để giáng hoả, làm chủ; Bệnh có liên hệ đến gân cốt cho nên phối dùng với Thược dược để nhu can, dưỡng cân; Hổ cốt để mạnh gân cốt. Thuốc âm nhu có thể gây nên đình trệ, cho nên thêm Toả dương để tráng dương, ích tinh; Can khương để ôn trung, Trần bì để lý khí, tỉnh tỳ).

Phế Nhiệt Tổn Thương Tân Dịch

-Chứng: Phát sốt, tự nhiên thấy chân tay mềm yếu, không lực, da khô, tâm phiền, khát, ho khan, họng khô, táo bón, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Tế Sác.

-Điều Trị: Thanh nhiệt, nhuận táo, dưỡng Phế, ích Vị.

Sách ‘ Nội Khoa Học Thượng Hải ‘ dùng bài: Thanh Táo Cứu Phế Thang (Y Môn Pháp Luật, Q. 4): A giao 3,2g, Cam thảo 4g, Hạnh nhân 2,8g, Hồ ma nhân 4g, Mạch môn 4,8g, Nhân sâm 2,8g, Tang diệp 12g, Thạch cao 10g, Tỳ bà diệp 1 lá, Sắc uống nóng.

(Tang diệp vị nhẹ, để tuyên táo khí ở phế; Thạch cao thanh táo nhiệt ở Phế Vị, làm quân; A giao, Mạch môn, Hồ ma nhân nhuận phế, tư dịch, làm thần; Nhân sâm ích khí, sinh tân; Hạnh nhân, Tỳ bà diệp tả phế, giáng nghịch, làm tá; Cam thảo điều hòa các vị thuốc, làm sứ).

Thấp Nhiệt Xâm Nhập

– Chứng: Chân tay mềm yếu không có sức, phù nhẹ, chi dưới thường bị tê dại, có khi phát sốt, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Nhu hoặc Sác.

– Điều Trị: Thanh nhiệt, lợi thấp.

Sách ‘ Nội Khoa Học Thượng Hải’ dùng bài Nhị Diệu Tán (Đan Khê Tâm Pháp, Q. 4) : Hoàng bá 40g, Thương truật 80g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8 – 12g.

-GT: Hoàng bá thanh nhiệt; Thương truật ôn táo thấp. Hai vị hợp lại có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp nhất là chứng thấp nhiệt ở hạ tiêu.

Thêm Phòng kỷ, Trạch tả, Tỳ giải, Ý dĩ.

Tỳ Vị Hư Nhược

– Chứng: Chi dưới từ từ bị mềm yếu, không lực, kém ăn, đại tiện lỏng, mặt phù, sắc mặt kém tươi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Tế.

– Điều Trị: Ích khí, kiện Tỳ.

Sách ‘ Nội Khoa Trung Y Thượng Hải’ dùng bài: Sâm Linh Bạch Truật Tán (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tễ Cục Phương, Q. 3): Bạch truật 8g, Biển đậu 8g,Cát cánh 8g, Chích thảo 4g, Hạt sen 8g, Nhân sâm 8g, Phục linh 12g, Sa nhân 8g, Sơn dược 8g, Ý dĩ 12g. Sắc, chia 2 lần uống.

(Bài này dùng Tứ Quân Tử Thang hợp với Biển đậu, Sơn dược để kiện tỳ, ích khí; Hợp với Ý dĩ nhân, Sa nhân để thấm thấp, lợi thấp, hóa thấp; Dược tính bình hòa, không béo, không táo, không thiên về hàn hoặc nhiệt.

CHÂM CỨU

Theo Châm Cứu Học Thượng Hải:

Kết hợp lấy huyệt theo kinh và huyệt tại chỗ.

* Chi Trên Liệt: Kiên ngung (Đtr.15), Kiên liêu (Ttu.14), Khúc trì (Đtr.11), Tý nhu (Đtr.14), Kiên tam châm (Kiên tiền, Kiên ngung, Kiên hậu).

+ Khủy tay không co duỗi được: thêm Khúc trạch (Tb.3), Nội quan (Tb.5), Ngoại quan (Ttu.5), Tam trì (Trì tiền, Khúc trì, Trì hậu).

+ Cổ tay rũ xuống: thêm Ngoại quan (Ttu.5), Tứ độc (Ttu.9).

* Chi Dưới Liệt: Thận du (Bq.23), Hoàn khiêu (Đ.30), Ân môn (Bq.37), Bể quan (Vi.31), Túc tam lý (Vi.36), Dương lăng tuyền (Đ.34).

+ Chân nhấc khó khăn: thêm Phục thố (Vi.32).

+ Đầu gối co lại: thêm Âm thị (Vi.33).

+ Chân gấp ngược lên: thêm Thừa sơn (Bq.57), Thữa phò (Bq.57), Ủy trung (Bq.40).

+ Bàn chân bị thõng xuống: thêm Giải khê (Vi.41).

+ Bàn chân lệch vào trong: thêm Phong thị (Đ.31), Tuyệt cốt (Đ.38), Côn lôn (Bq.60).

+ Chân lệch ra ngoài: thêm Tam âm giao (Ty.6), Thái khê (Th.3).

Theo ‘Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học’:

+ Chi trên: Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Dương khê.

+ Chi dưới: Bể quan, Lương khâu, Túc tam lý, Giải khê.

. Phế nhiệt thêm Xích trạch, Phế du.

. Vị nhiệt: thêm Nội đình, Trung quản.

. Thấp nhiệt: thêm Âm lăng tuyền, Tỳ du.

. Can Thận bất túc thêm Can du, Thận du, Huyền chung, Dương lăng tuyền, Thái khê.

. Nếu do chấn thương: thêm Cách du, Huyết hải.

(Theo Nội Kinh, trị nuy trọc, dùng Dương minh, vì vậy, lấy huyệt của kinh thủ túc Dương minh làm chính. Kinh Dương minh nhiều khí, nhiều huyết, ‘chủ nhuận tông cân’để thanh nhiệt, nhuận tông cân. Dương minh và Thái âm có quan hệ biểu lý. Phế chủ trị về khớp, Tỳ chủ sự vận hóa, vì vậy dùng Phế du, Xích trạch để thanh nhiệt ở Phế, sinh tân dịch; Tỳ du, Âm lăng tuyền để hóa thấp nhiệt, kiện trung tiêu. Can Thận bất túc, dùng du huyệt của Can và Thận để điều bổ tinh khí của Can, Thận; Dương lăng tuyền là huyệt hội của cân, Huyền chung là huyệt hội của tủy, Thái khê là nguyên huyệt của kinh Thận, các huyệt này phối hợp có tác dụng làm mạnh gân, ích tủy, tư thủy. Trung quản là huyệt hội của phủ, Nội đình là huyệt vinh của kinh Vị dùng để thanh tả nhiệt ở Vị. Cách du là huyệt hội của huyết, hợp với Huyết hải để hoạt huyết, hóa ứ).

Dùng phép châm tả, lưu kim 20-30 phút, ngày châm một lân, 10 lần là một liệu trình.

Can Thận bất túc, châm bổ, có thể thêm cứu, mỗi ngày hoặc cách ngày cứu một lần, mỗi lần 15-20 phút. 15 ngày là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Nhĩ Châm:

Chọn huyệt Phế, Vị, Đại trường, Can, Thận, Tỳ, Thần môn, Vùng tương ứng chỗ bệnh. mỗi lần chọn 3-5 huyệt, kích thích mạnh, lưu kim 10 phút. Cách ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Đầu Châm:

Châm phía đối bên bệnh: Khu Vận Dụng, Khu Cảm Ứng. Châm cả hai bên: Khu Túc Vận Cảm. Mỗi ngày hoặc cách ngày châm một lần, vê kim 200 cái, mỗi lần cách nhau 5-10 phút. Lưu kim 30-60 phút. Có thể dùng xung điện 20 phút (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

error: Content is protected !!